

HÁT XOAN
Việt Nam là một đất nước có bề dày lịch sử, có một nền văn hóa truyền thống đa dạng, đặc biệt là có tới 54 dân tộc. Chính sự đa dạng này đã tạo nên một bức tranh màu sắc cho văn hóa truyền thống Việt Nam. 54 dân tộc là 54 nền văn hóa với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác biệt. dưới một bầu trời chung là đất nước Việt Nam. Điều này giải thích vì sao chúng ta lại có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo trong đó âm nhạc truyền thống là một phần vô cùng quan trọng. Âm nhạc gắn kết con người và hình thành nên nhân cách con người. Âm nhạc truyền thống là tinh hoa, là sự đúc kết suốt nhiều thế kỷ của cha ông chúng ta để lại cho thế hệ con cháu.Và một trong vô vàn loại hình nghệ thuật truyền thống ấy chính là hát xoan.
1. Khái niệm:
Hát xoan là loại hình dân ca lễ nghi phong tục hát thờ thần, thành hoàng với hình thức nghệ thuật đa yếu tố: có nhạc, hát, múa; thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ biến ở vùng đất tổ Hùng Vương - Phú Thọ, một tỉnh thuộc vùng trung du Việt Nam. Ngày 24/11/2011, tại Hội nghị lần thứ sáu của Ủy ban liên chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali - Indonesia, Hồ sơ Hát Xoan - Phú Thọ của Việt Nam đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

2.Sự hình thành và phát triển:
Tương truyền: Một lần vào mùa xuân, ba anh em Hùng Vương đi tìm đất dựng thành, nhân lúc nghỉ chân ở ven rừng, vua trông thấy lũ trẻ chăn trâu đùa nghịch và hát đồng dao. Vua cho gọi chúng đến trò chuyện và bảo chúng hát cho nghe. Nghe xong, vua truyền dạy cho lũ trẻ những điệu hát múa của người Lạc Việt trên đất Văn Lang. Để tưởng nhớ ơn vua, nhân dân quanh vùng đã dựng ngôi miếu trên đất đó để thờ vua, tục gọi là miếu Lãi Lèn. Miếu ấy nay ở xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, Phú Thọ.
Từ khi có miếu Lãi Lèn, cứ đến ngày 30 tháng Chạp hằng năm, dân các làng lại làm cỗ cúng vua. Từ sáng mùng 1 đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng, dân làng tiếp tục tổ chức những canh hát nghi lễ để thờ vua - trình diễn lại những điệu hát múa được vua trao truyền, với mục đích cầu mong vua giáng phúc cho dân làng một năm an hoà. Nghệ thuật Hát Xoan bắt nguồn từ đó.
Xưa kia, Hát Xoan được gọi là Hát Xuân, sau từ Xuân được đổi thành từ Xoan. Tương truyền, vì ở xã Hương Nha, huyện Tam Nông có đình thờ nàng Xuân, tức nữ tướng Xuân nương; ở Hương Nộn, huyện Tam Nông có đình thờ Thánh mẫu Lê Xuân Lan; ở Hữu Bổ, huyện Lâm Thao có đình thờ Thánh mẫu Xuân Dung. Hàng năm, các làng mở hội đình, có lệ mời phường Hát Xuân sang hát thờ. Vì Thành hoàng làng có tên là Xuân nên các phường phải đổi từ Xuân thành từ Xoan. Vì vậy, có tên gọi Hát Xoan và phường Xoan.

3. Các giai đoạn trong một lần hát xoan
Giai đoạn 1: múa với 4 giọng lề lối: Giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám. Các bài hát này có ý nghĩa nổi trống, đốt pháo, dâng hương và vào đám. Giáo trống và giáo pháo do một kép nhỏ múa trên chiếu, tay cầm trống con cũng có khi cầm phách. Có 4 đào đứng 4 góc chiếu vỗ trống hát theo. Giáo trống mang nội dung của một bài ca khẩn nguyện, cầu chúc cho mùa màng và sự thịnh vượng của thôn xã. Nhạc điệu của giáo trống mang tính chất hát nói dựa trên một số câu nhạc giống nhau về kết cấu, trong một câu có hai vế: Đơn ca và đồng ca. Giáo pháo cũng mang tính chất của một bài ca khẩn nguyện nhưng trình bày theo lối hát đuổi, hát xen giữa giọng nam và giọng nữ. Sau giáo trống giáo pháo chú kép nhỏ lui vào nhường chỗ cho 4 cô đào tiến ra hát Thơ nhang. Bốn cô đào đứng xếp hàng ngang trước hương án, động tác dâng hương, vừa hát vừa làm điệu bộ tiến hương lên, bước lùi xuống.
Giai đoạn thứ 2: Là sự trình diễn các “quả cách”. Đây là những bài thơ dài được các nhà nho bình dân sáng tác bằng chữ Nôm được đóng thành quyển. Trong hát Xoan có 13 quả cách sau (riêng phường Xoan Phù Đức có thêm quả cách “chơi dâu cách”) : Kiều giang cách; Nhàn ngâm cách; Tràng mai cách; Ngư tiều canh mục cách; Đối rẫy cách; Hồi liên cách; Xoan thời cách; Hạ thời cách; Thu thời cách; Đông thời cách; Tứ mùa cách; Thuyền chèo cách; Tứ dân cách.
Giai đoạn 3: Trong quá trình diễn xướng của hát Xoan bao gồm nhiều tiết mục múa hát, dựng hoạt cảnh, các trò chơi. Đây là phần hứng thú nhất và sinh động nhất trong cuộc hát. Nghệ thuật của hát Xoan phong phú, đậm nét chính là giai đoan này.
4.Các làng xoan:
Gốc của hát xoan ở vùng Phú Thọ, sau lan tỏa tới các làng quê đôi bờ sông Lô, sông Hồng, qua cả tỉnh Vĩnh Phúc. Bốn phường xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét nằm ở hai xã Kim Đức và Phương Lâu (Phú Thọ) từ xưa được cộng đồng của 30 làng, 18 xã của tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc mời đến biểu diễn. Vì thế hát xoan mới ghi dấu tại nhiều làng quê ngoài vùng Phú Thọ và Vĩnh Phúc.
5.Nghệ nhân:
- Nghệ nhân dân gian Lê Thị Tú, 76 tuổi.
- Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có mẹ và chú ruột là đào nên từ khi mới 13 tuổi bà đã thuần thục biểu diễn các bài xoan cổ.
-Gắn bó với Xoan gần 60 năm nay.
-Từng được biểu diễn ở Thái Lan năm 2005.
-Năm 2010, bà Nguyễn Thị Tú vinh dự được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.

- Nghệ nhân hát xoan Nguyễn Thị Nhang, 60 tuổi.
- Sinh ra và lớn lên tại xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú thọ - cái nôi của làn điệu dân ca Xoan.
- Bà đã thuộc hầu hết các làn điệu Xoan cổ và bà cũng không thể nhớ hết mình đã biểu diễn hát Xoan bao nhiêu lần, đã truyền dạy hát Xoan cho bao nhiêu người.
- Ngoài mở lớp truyền dạy tại nhà, nghệ nhân còn nhiệt tình tham gia các

6. Giá trị nổi bật toàn cầu
Hồ sơ hát xoan Phú Thọ đã hội đủ các yêu cầu cần thiết của UNESCO để được công nhận là:
-
Tính giá trị, tính cộng đồng trong việc sáng tạo và truyền dạy từ đời này qua đời khác;
-
Sức sống mạnh mẽ của hát xoan cũng như các cam kết bảo vệ nghệ thuật này không bị biến mất trong đời sống hiện đại.
-
Đây là một số ít những hồ sơ nhận được toàn bộ sự ủng hộ của hội đồng tư vấn khoa học xét duyệt sơ khảo trước đó.
Hát Xoan là một di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ Hùng Vương. Hát Xoan Phú Thọ thuộc loại hình dân ca lễ nghi phong tục, là hát cửa đình, hội tụ đa yếu tố nghệ thuật như nhạc, hát, múa... Nguồn gốc của Hát Xoan gắn với những giai thoại của thời đại Vua Hùng dựng nước. Các làng xoan gốc đều là những ngôi làng cổ nằm trên địa bàn trung tâm nước Văn Lang, vì vậy hát xoan còn bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa cổ của thời đại bình minh dựng nước...

7. Thực trạng
Cũng như những loại hình nghệ thuật dân gian khác, Hát xoan ít nhiều bị ảnh hưởng bởi nhạc ngoại quốc.Vì vậy, nhiệm vụ của mọi công dân Việt Nam phải cùng chung tay bảo vệ và phát triển nền âm nhạc dân tộc như các nghệ nhân Lê Thị Tú, Nguyễn Thị Lịch, Nguyễn Thị Nhang,… đã làm.
(Nguồn: Wikkipedia, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục di sản Văn hóa, Báo Phụ nữ, trang Vietnam tourism)
8. Tham khảo