

HÁT XẨM
1. Khái niệm
Trong mạch nguồn âm nhạc dân gian, hát xẩm đã là một dòng chảy từ bao đời nay gắn bó với con người Việt Nam, đặc biệt là với cuộc sống dân dã lẫn thị. Thể loại âm nhạc này trước đây được lưu truyền chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc như: Bắc Giang, Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Thanh Hóa… với những hình thức biểu diễn rất độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa khu vực. Xẩm là một loại hình dân ca của miền Bắc Việt Nam, phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. "Xẩm" cũng còn được dùng để gọi những người hát xẩm - thường là người khiếm thị đi hát rong kiếm sống và do đó hát xẩm còn có thể coi là một nghề.

2. Nguồn gốc
Nghệ thuật hát xẩm được cho là đã khởi phát vào khoảng thế kỷ thứ 14. Từ khi ra đời đến khoảng nửa đầu thế kỷ 20, hát xẩm được gọi với những cái tên khác nhau như hát rong, hát dạo…
Và tương truyền rằng thời nhà Trần có vị thái tử Trần Thái Tuấn vì tranh giành ngôi vương bị hãm hại chọc mù mắt rồi đem bỏ giữa rừng sâu.Được bụt giúp ông làm được một loại đàn bằng dây rừng và gẩy bằng que nứa. Sau đó, những người đi rừng nghe tiếng đàn đã tìm thấy và đưa ông về. Trần Quốc Đĩnh dạy đàn cho những người nghèo, người khiếm thị. Hát xẩm đã ra đời từ đó và Trần Quốc Đĩnh được suy tôn là ông tổ nghề hát xẩm nói riêng cũng như hát xướng dân gian Việt Nam nói chung. Cho đến ngày nay nhiều người vẫn hiểu xẩm là lối hát của người khiếm thị, ăn xin. Đúng ra là người khiếm thị đã dùng xẩm làm phương tiện kiếm sống. Vì thế, hát xẩm thực sự là một loại hình ca nhạc dân gian mang tính chuyên nghiệp.

3. Sự phát triển
Từ khi ra đời cho đến giữa thế kỷ 20, hát xẩm được nhiều người khiếm thị sử dụng làm nghề kiếm sống nơi bến đò, chợ búa hay lang thang trên những nẻo đường... Họ tổ chức thành các phường hội để truyền nghề và giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống. Vào cuối năm 1954 đầu 1955, để chống lại việc người dân miền Bắc di cư vào miền Nam sau Hiệp định Genève, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã tập trung nhiều nhóm hát xẩm (gồm nhiều nghệ nhân xẩm của các vùng TháiBình, Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội...), cử người viết bài và đến các vùng duyên hải phía Bắc biểu diễn nhằm vận động nhân dân không di cư. Sau đó, khi Hội Người mù được thành lập, những người hát xẩm được dạy nghề về thủ công và chuyển sang sống bằng nghề mới này nên xẩm dần vắng bóng. Hát xẩm hiện nay chỉ đôi khi xuất hiện trên sóng phát thanh, sân khấu như một tiết mục văn nghệ thuần túy do những diễn viên chuyên nghiệp biểu diễn chứ hát xẩm không còn tồn tại với hình thái xã hội vốn có của nó. Gần đây, khi công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn dân ca được chú trọng, các nghệ nhân hát xẩm hiếm hoi còn lại như bà Hà Thị Cầu đã được tổ chức truyền lại cho thế hệ sau loại hình dân ca này. Sau mấy chục năm gián đoạn, ngày 29 tháng 3 năm 2008 (22 tháng 2 âm lịch), lễ giổ tổ nghề hát xẩm cũng đã được phục hồi và tổ chức một cách trọng thể tại Quốc tử giám, Hà Nội. Thời gian gấn đây, được sự đồng ý của Sở Văn hoá, du lịch và thể thao Hà Nội cùng với sự tài trợ của một số doanh nhiệp; các nghệ sĩ Xuân Hoạch, Văn Ty, Thanh Ngoan, Đoàn Thanh Bình thường tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật hát xẩm vào tối thứ bảy hàng tuần tại truớc cổng chợ Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm trong khuôn khổ các hoạt động văn hóa nghệ thuật tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

4.Đặc điểm
Bên cạnh các loại xẩm chính tông như xẩm chợ, xẩm xoan, xẩm thập ân... nghệ nhân xẩm đã kết hợp, du nhập thêm các loại hình khác như sa mạc, trống quân, cò lả, hát ví... Việc kết hợp như vậy vừa làm phong phú hơn, mượt mà hơn cho các câu hát xẩm, vừa phổ biến các loại hình khác rộng rãi trong dân gian. Những làn điệu đó đều được “xẩm hóa” cho đúng với phong cách dân dã, giang hồ của các nghệ sĩ. Như điệu hát trống quân chẳng hạn, vốn là một điệu hát đối đáp trai gái trữ tình, xẩm đã chuyên dùng làn điệu này để chuyển tải những nội dung châm biếm, đả kích những thói hư tật xấu trong xã hội, như bài Dâu lười hay Rể lười... Xẩm có hai làn điệu chính là xẩm chợ và xẩm cô đào. "Hát xẩm chợ, điệu hát mạnh, những tiếng đệm, tiếng đưa hơi đều hát nổi tiếng bằng lời hát chính và đệm đàn bầu hay nhị với sênh phách; còn hát xẩm cô đào thì điệu hát dịu dàng hơn, những tiếng đệm và tiếng đưa hơi lẫn vào lời chính, cốt giúp cho có nhiều dư âm và bắt khúc được dễ dàng. Hát xẩm cô đào đệm đàn đáy và sênh phách, không dùng đàn bầu và nhị.. Ngoài ra xẩm còn sử dụng nhiều làn điệu dân ca của vùng đồng bằng Bắc Bộ khác như trống quân, cò lả, hát ví, ru em, quan họ, chèo,... hoặc ngâm thơ các điệu bồng mạc, sa mạc. Các làn điệu dân ca khác khi được dùng trong hát xẩm đã được "xẩm hoá" theo phong cách đặc trưng của xẩm.
5. Giá trị và nghệ nhân tiêu biểu
Ngày 26/11/2011, Nhà hát Chèo Ninh Bình đã tổ chức lễ khai trương công trình khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát xẩm nhằm sưu tầm, biên soạn, truyền dạy và phổ biến các bài hát xẩm theo các làn điệu cổ truyền, dàn dựng chương trình hát xẩm, bảo tồn, phát triển nghệ thuật hát xẩm. Các nghệ sĩ đã sưu tầm các làn điệu, các bài hát xẩm cổ truyền, biên soạn chương trình và trực tiếp truyền dạy nghệ thuật hát xẩm cho các diễn viên, nhạc công Nhà hát Chèo Ninh Bình và các diễn viên quần chúng ở xã Yên Phong(Yên Mô) - quê hương của nghệ nhân Hà Thị Cầu. Theo kế hoạch, đến tháng 12-2011 Dự án sẽ được báo cáo phần khung với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình. Đồng thời, thông qua các hoạt động của Dự án cũng chính là bước đệm để trình UNESCO công nhận hát xẩm là Di sản văn hóa phi vật thể của Thế giới.

Thành ngữ: Lần như xẩm.
Ca dao:
Tham giàu lấy chú biện tuần
Tuy rằng bóng bẩy nợ nần chan chan
Thà rằng lấy chú xẩm xoan
Công nợ không có hát tràn cung mây.
Tối trời bắt xẩm trông sao
Xẩm thề có thấy ông nào, xẩm đui.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu là một pho sử sống về nghệ thuật hát xẩm. Cuộc đời bà như một con tằm đã xong kiếp nhả tơ. Không ruộng vườn, không lương hưu, vẫn nghèo khổ như thuở ôm con đi hát rong khắp mọi miền, bà sống dựa vào tình thương yêu, sự giúp đỡ của những người yêu mến giọng hát của bà.
— Nhạc sĩ Quang Long

NSUT Hà Thị Cầu (Ninh Bình)
Trong nghệ thuật hát xẩm, bà Hà Thị Cầu được đánh giá là nghệ nhân duy nhất còn lưu giữ được nhiều làn điệu cổ của nghề. Bà cũng là người có thể tự đặt lời mới mang hơi thở của thời đại cho các làn điệu xẩm truyền thống.
— Báo Thanh Niên
6. Thực trạng
Có thể nói, người hát xẩm cũng giống như tất cả mọi nghệ sĩ chuyên nghiệp, chỉ khác ở chỗ, sân khấu của họ chính là đường phố, là gốc đa, bến nước, sân đình... hoặc đơn giản chỉ là một góc chợ quê nghèo.
Nhìn chung cũng giống như những loại hình âm nhạc dân tộc khác, đã từng được coi là một món ăn tinh thần, một phần cuộc sống xưa nhưng giờ đây trước nhưng xu thế mới.Hát xẩm đã dần bị lãng quên, nhưng giá trị truyền thống bị mai mục.Cùng với đó là những nghệ nhân tài danh bước dần vào tuổi xế chiều, rồi lần lượt ra đi, vĩnh viễn đem theo những giá trị nghệ thuật đặc sắc mà họ đã từng lưu giữ và thực hành. Không hợp thời, buồn chán đã trở thành định kiến của thế hệ trẻ ngày nay.Thế nhưng hát xẩm nói riêng và âm nhạc dân tộc nói chung chính làbiểu hiện của tư tưởng, tâm hồn ông cha ta.Vì thế thế hệ trẻ ngày nay cùng với xã hội , nhà nước chung tay gìn giữ, ủng hộ những buổi biểu diễn cùng các lớp học hát xẩm.Chỉ như thế nét đẹp văn hóa ấy mới không bị làng quên

(sưu tầm traihevietnam;maivanlang)
7. Tham khảo